Copyright @Nukeviet

Sự phát triển của bài giảng E-learning dưới phương diện công nghệ, giáo dục và kinh tế

Thứ năm - 30/09/2021 16:00
Mặc dù đã biết đến và sử dụng bài giảng E-learning khá nhiều nhưng chắc hẳn sẽ có nhiều người thắc mắc rằng nguồn gốc của bài giảng E-learning từ đâu và sự phát triển của bài giảng E-learning qua các phương diện công nghệ, giáo dục, kinh tế như thế nào. Để giải đáp các thắc mắc này, NukeViet Edu Gate sẽ chia sẻ chi tiết thông qua bài viết dưới đây. Mời các bạn cùng theo dõi!
Sự phát triển của bài giảng E-learning dưới phương diện công nghệ, giáo dục và kinh tế
Sự phát triển của bài giảng E-learning dưới phương diện công nghệ, giáo dục và kinh tế

Bài giảng E-learning là gì?

Xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, E-learning đã tiến hóa nhanh chóng gắn với sự phát triển của công nghệ và giáo dục dựa trên những nền tảng kinh tế và tổ chức phù hợp, tạo ra một khái niệm rộng và đa chiều. Hiểu một cách khái quát, E-learning (Electronic learning), là một thuật ngữ mô tả hoạt động học tập, giảng dạy và đào tạo trên nền tảng kỹ thuật số thông qua các thiết bị công nghệ (điện thoại, máy tính, iPad,...). Bài giảng E-learning là hình thức tổ chức bài giảng dựa trên các thiết bị công nghệ đó thông qua môi trường Internet.

Sự phát triển của bài giảng E-learning dưới phương diện công nghệ, giáo dục và kinh tế

Để hiểu thêm về E-learning, NukeViet Edu Gate xin chia sẻ đến bạn sự phát triển của bài giảng E-learning dựa trên 3 phương diện: công nghệ, giáo dục và kinh tế. Cụ thể như sau:

1. Sự phát triển E-learning dưới phương diện giáo dục 

Mỗi bước phát triển ứng dụng công nghệ của E-learning nói trên gắn với một sự thay đổi trong phương pháp sư phạm. Trong giai đoạn đầu của E-learning gắn với việc sử dụng các ứng dụng hỗ trợ, việc giảng dạy và học tập tập trung vào các mô hình học với sự trợ giúp của máy tính (computer assisted learning) và đặt nặng vào việc rèn luyện và thực hành nhờ các phần mềm. Lúc này, lý thuyết hành vi (behaviorism) vẫn giữ vai trò chính với vai trò quan trọng của giảng viên là tạo dựng và truyền đạt kiến thức. Khi truyền thông đa phương tiện được ứng dụng vào thập kỷ 1980 tạo ra sự tương tác giữa người học với máy tính, các nhà giáo dục theo lý thuyết kiến tạo (constructivist) bắt đầu có ảnh hưởng qua việc thiết kế và sử dụng các phần mềm giáo dục mặc dù việc học tập của người học còn khá thụ động. Sang thập niên 1990, tương ứng với giai đoạn internet phát triển với các khóa học trực tuyến trên nền web 2.0, lý thuyết kiến tạo có ảnh hưởng rộng rãi trong đó việc học tập chủ động của người học được nhấn mạnh qua thảo luận nhóm qua cầu truyền hình, cầu âm thanh và các diễn đàn trực tuyến. Vai trò giảng viên trong giai đoạn này chuyển sang điều hành, thảo luận và hướng dẫn. 

Sự phát triển E learning dưới phương diện giáo dục
Sự phát triển E-learning dưới phương diện giáo dục

Sang những năm đầu thế kỷ 21, sự phát triển của mạng xã hội đã dẫn đến sự tương tác linh hoạt và sự kết nối rộng rãi giữa người học với các cộng đồng. Quá trình học tập chịu ảnh hưởng của lý thuyết kết nối (connectivism) trở thành quá trình khám phá, kết nối, phát kiến và đánh giá với vai trò đồng hành, góp ý của giảng viên (Cross, 2004) E-learning mặc dù được dùng cho cả hai hình thức giáo dục chính quy (formal education) và giáo dục không chính quy (informal education) nhưng trong một thời gian dài, E-learning là phương tiện chính của giáo dục không chính quy, đặc biệt là hình thức giáo dục từ xa (distance education). Do đó, trong nhiều trường hợp, các thuật ngữ này được liên kết với nhau. Trong vài thập niên gần đây, các trường đại học đưa vào giảng dạy ngày càng nhiều các khóa học trực tuyến (online course) bên cạnh các lớp học truyền thống. Phương thức học tập trực tuyến cũng được dùng ngày càng rộng rãi trong khu vực giáo dục phổ thông (K-12 E-learning) bên cạnh giáo dục đại học (higher education/post secondary E-learning). Bên cạnh đó, một phạm vi ứng dụng quan trọng của E-learning là các chương trình đào tạo cho công ty (Corporate Elearning) phát triển rất sớm và hiện là một phần quan trọng của thị trường Elearning (Harasim L., 2006). 

Một số trường đại học với mục đích chia sẻ nguồn tài nguyên học tập, đã đưa các khóa học cũng như tài nguyên học tập lên mạng internet cho mọi người sử dụng miễn phí, dẫn đến khái niệm kho học liệu mở (open material resources) ra đời. Một số tổ chức vì lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận xây dựng nền tảng để tập hợp và phân phối các khóa học trực tuyến miễn phí trên mạng internet, tạo thành khái niệm MOOC (các khóa học trực tuyến miễn phí đại trả - massive open online course). MOOC trở thành một hiện tượng cua thế giới năm 2013 (Bari, M, 2018). 

Trong điều kiện không đủ khả năng thực hiện hoàn toàn các hoạt động học tập qua mạng internet hoặc mong muốn kết hợp các hình thức học tập khác để giúp mở rộng tối đa năng lực của người học, phương thức học tập kết hợp (blended learning) được sử dụng (Kahiigi, E.K., 2008). Trong những năm gần đây, phương thức học tập này phát triển rất nhanh chóng và được sự đánh giá cao trên cả phương diện người học và giảng viên so với học trực tuyến hoặc học truyền thống (Castaño Muñoz và nhóm đồng tác giả, 2016). Có thể xem phương thức học tập này là một nhánh phát triển của E-learning theo hướng kế thừa lợi ích và hạn chế khiếm khuyết của cả hai phương thức trực tuyến và trực tiếp. 

2. Sự phát triển E-learning dưới phương diện công nghệ 

Trước khi công nghệ mạng được ứng dụng rộng rãi vào thập niên 1990, khái niệm E-learning bao gồm những ứng dụng hỗ trợ cho việc giảng dạy, học tập như các phần mềm kiểm tra, các công cụ tạo học liệu đa phương tiện (video, ebook…) và các phương thức phân phối học liệu mới (CD-ROM, phát thanh, cầu truyền hình…). Sau khi internet phát triển mạnh mẽ vào những năm cuối thế kỷ 20 cùng với công nghệ web 2.0, E-learning gắn với việc học tập trực tuyến (online learning), trong đó các hoạt động học tập được chuyển chủ yếu qua mạng internet với sự trợ giúp của các phần mềm hệ thống quản lý học tập (learning management system - LMS), quản lý nội dung học tập (learning content management system - LCMS). Cùng với sự phát triển của công nghệ di động, học tập di động (mobile learning) đang là một xu thế hiện nay. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của mạng xã hội dẫn đến sự hình thành và phát triển học trực tuyến từ mạng xã hội (social online e-learning). (Bari, M. và nhóm đồng tác giả, 2018). 

Sự phát triển E learning dưới phương diện công nghệ
Sự phát triển E-learning dưới phương diện công nghệ

Sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực khoa học dữ liệu (data science) cùng với sự bùng nổ của dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo cũng đã có tác động mạnh đến môi trường E-learning. Điều này sẽ dẫn đến một số xu hướng trong tương lai của Elearning như: học qua trò chơi (gamification of learning), mô hình học tập vi mô (microlearning), áp dụng thực tế ảo trong học tập (virtual reality learning), các mô thức mô phỏng sử dụng trong giảng dạy (Gatto, 2017; Hogle, 2018). 

Một xu hướng mới khác trong giáo dục được sự trợ giúp mạnh mẽ của dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong môi trường E-learning là học tập theo cá nhân (personalised learning), theo đó mục tiêu học tập, cách thức và nội dung giảng dạy thay đổi theo nhu cầu của mỗi người học. Tương tự các ứng dụng công nghệ này cũng giúp phát triển mô hình học tập thích nghi (adaptive learning) theo đó nội dung, tốc độ, và cách thức học tập sẽ được thay đổi tùy thuộc vào năng lực học của mỗi người (US Department of Education, 2017). 

3. Sự phát triển của E-learning dưới góc độ kinh tế và tổ chức 

Về phương diện kinh tế, E-learning đã phát triển thành một thị trường toàn cầu lớn mạnh. Theo báo cáo của Docebo (2018), thị trường E-learning toàn cầu năm 2015 ước tính đạt trên 165 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng bình quân năm là 5% trong giai đoạn 2018-2023. Cấu trúc thị trường E-learning gồm có hai thành phần chính là thị trường nội dung và thị trường phần mềm, chủ yếu xoay quanh đào tạo trực tuyến. 

Sự phát triển E learning dưới phương diện kinh tế
Sự phát triển E-learning dưới phương diện kinh tế

a. Thị trường nội dung 

Thị trường nội dung hiện nay chủ yếu là các khóa học, các chương trình đào tạo cấp bằng được cung cấp bởi các trường đại học chuyên về giáo dục từ xa, các trường đại học truyền thống, các trường đại học ảo, các cấu trúc liên kết, các mô hình chia sẻ và các doanh nghiệp.

Các trường đại học chuyên cung cấp các chương trình đào tạo từ xa nhanh chóng nhận ra E-learning là một hướng đi đầy triển vọng so với các phương thức học tập truyền thống của giáo dục từ xa như học qua thư tín hoặc học trực tiếp. Một mặt, nó mang lại nhiều thuận lợi và giá trị cho người học. Mặt khác, nó có thể áp dụng cho quy mô lớn, có thể bù đắp được chi phí đầu tư cho xây dựng khóa học. Các chương trình học từ xa hoàn toàn trực tuyến đầu tiên của University of Phoenix (Hoa Kỳ), Open University (Anh) được hình thành vào cuối thập niên 1980 (Harasim L., 2006). 

Các trường đại học truyền thống xây dựng các khóa học trực tuyến như một sự đổi mới về phương thức giảng dạy cho các chương trình đào tạo chính quy. Ken Tenor (2015) nhận xét học trực tuyến tại các trường đại học Hoa Kỳ không còn là một xu hướng nữa, mà đã trở thành một xu thế chủ đạo với 69% các nhà lãnh đạo học thuật của trường đại học cho rằng học trực tuyến là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển của trường học. Có nhiều mức độ khác nhau về áp dụng đào tạo trực tuyến trong các trường đại học:

  • Một số khóa học trực tuyến được mở cho sinh viên lựa chọn. 

  • Một số chương trình đào tạo trực tuyến cấp bằng như đại học chính quy. 

Trong nhiều trường đại học, ranh giới giữa học trực tuyến và học trực tiếp bị xóa nhòa.

Các trường đại học ảo (cyber/virtual university) là thuật ngữ chỉ các trường đại học đào tạo hoàn toàn trực tuyến. Một số trường này là tư nhân như các cyber university của Hàn quốc, một số khác là do các tổ chức phi lợi nhuận tài trợ. Ngoài ra, nhiều dự án cyber university là các cấu trúc liên kết được trình bày dưới đây. 

Các cấu trúc liên kết trong đó để giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh, các trường đại học truyền thống liên kết thành những tổ chức sử dụng chung nguồn tài nguyên (phần mềm, khóa học) như Open University Australia (OUA), Malaysia Open University… Ví dụ, OUA là một consortium của 7 trường đại học công lập của Úc (Curtin, Griffith, Macquarie, Monash, RMIT, Swinburn, South Australia) cung cấp 230 chương trình cấp bằng đại học và sau đại học của nhiều trường đại học tại Úc và một số quốc gia với bằng cấp không phân biệt với hình thức chính quy.

Các mô hình chia sẻ gắn với sự phát triển của MOOC. Các trường đại học chia sẻ tài nguyên số của mình là các khóa học trực tuyến cho cộng đồng như một hình thức phục vụ cộng đồng bên cạnh việc giới thiệu, quảng bá cho trường. Một số doanh nghiệp như Coursera xây dựng nền tảng (platform) để cung cấp các khóa học miễn phí từ các trường đại học. Nguồn thu của doanh nghiệp chủ yếu từ các khóa học cấp chứng chỉ. Một số các tổ chức không vì lợi nhuận như Khan Academy tự phát triển các khóa MOOC để cung cấp cho cộng đồng với nguồn tài trợ từ cộng đồng hay các tổ chức.

Các doanh nghiệp chuyên về đào tạo cho các tổ chức hoặc cá nhân về kỹ năng, kiến thức cho những lĩnh vực cụ thể như công nghiệp, quản lý, ngoại ngữ… qua sản phẩm là các khóa học trực tuyến. 

b. Thị trường phần mềm 

Thị trường phần mềm bao gồm các hệ thống quản lý học tập LMS và các dịch vụ đi kèm. Với sự phát triển của công nghệ đám mây, các trường có thể chuyển từ mua phần mềm cài đặt sang mua theo tài khoản của từng sinh viên, giúp giảm đáng kể kinh phí đầu tư vào thiết bị và phần mềm. Bên cạnh các hệ thống LMS tính phí như Blackboard, Canvas còn có các phần mềm LMS mã nguồn mở như Moodle. Mặc dù không tốn chi phí mua sắm, nhưng các trường phải có đội ngũ điều chỉnh, vận hành và đầu tư vào hạ tầng máy trạm. Từ đó, xuất hiện các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ này, nghĩa là phát triển các phần mềm LMS trên nền tảng phần mềm mã nguồn mở và cung cấp dịch vụ cho khách hàng là các trường học hoặc doanh nghiệp.

Làm sao để xây dựng kho bài giảng E-learning cho đơn vị?

Việc tổ chức giảng dạy và học tập trực tuyến là phương pháp hiệu quả nhất và an toàn nhất, đặc biệt trong những khoảng thời gian giãn cách xã hội trước ảnh hưởng của đại dịch Covid 19. Do vậy, việc xây dựng bài giảng điện tử và kho bài giảng E-learning là hết sức cần thiết và quan trọng, đây là tiền đề cho việc trao đổi, chia sẻ tài liệu trở nên hiệu quả và dễ dàng hơn bao giờ hết!

nukeviet edu gate
Làm sao để xây dựng kho bài giảng E-learning cho đơn vị?

Thời gian qua, một số đơn vị Phòng - Sở giáo dục trên cả nước cũng đã làm việc với NukeViet Edu Gate với mong muốn xây dựng riêng cho đơn vị của mình một phần mềm/module E-learning với các chức năng để hỗ trợ việc xây dựng kho bài giảng và chia sẻ tài liệu trong cùng hệ thống như Kho bài giảng E-learning của Cục công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục và Đào tạo (https://elearning.moet.edu.vn/https://igiaoduc.vn), kho bài giảng E-learning của Phòng GD&ĐT Thanh Oai (http://thanhoaiedu.vn/elearning), kho bài giảng E-learning của Phòng GD&ĐT Hà Đông (https://pgdhadong.edu.vn/elearning), kho bài giảng E-learning của Phòng GD&ĐT Thủ Dầu Một (https://elearning.tptdm.edu.vn).

Nếu các bạn cũng đang có nhu cầu sử dụng phần mềm/module E-learning để đơn vị của mình có một công cụ trao đổi tư liệu bài giảng thì hãy liên hệ ngay với NukeViet Edu Gate, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn giải pháp phù hợp nhất để triển khai.

Như vậy, NukeViet Edu Gate đã chia sẻ đến bạn những thắc mắc về nguồn gốc ra đời của bài giảng E-learning và sự phát triển của bài giảng E-learning dưới các phương diện công nghệ, giáo dục, kinh tế, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Trong quá trình tìm hiểu và sử dụng, nếu có bất kỳ vấn đề thắc mắc hoặc cần hỗ trợ, các bạn có thể liên hệ với NukeViet Edu Gate qua:

Nguồn tin: chuongtrinhkhgd.moet.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây